Ung thư lưỡi: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ung thư lưỡi: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ung thư lưỡi là một loại ung thư miệng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Ung thư miệng có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của miệng, bao gồm môi, lợi, lưỡi, má, vòm và sàn miệng. Hầu hết các trường hợp ung thư miệng có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá, uống nhiều rượu hoặc nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV). Nhiễm trùng HPV lây truyền qua đường tình dục (cụ thể là HPV-16) có liên quan đến một nhóm nhỏ các bệnh ung thư miệng. Nhiều bệnh ung thư miệng được nha sĩ phát hiện thông qua các thủ tục vệ sinh răng miệng thông thường và các cá nhân nên khám răng miệng ít nhất hàng năm. Khi được phát hiện sớm, ung thư lưỡi có khả năng chữa khỏi cao, nhưng có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ung thư lưỡi là gì

Ung thư lưỡi là một loại ung thư vùng miệng với đặc điểm thường phát triển từ tế bào biểu mô vảy ở trên bề mặt lưỡi, với biểu hiện có thể là khối u hoặc vết loét. Dấu hiệu đáng quan tâm nhất của ung thư lưỡi là các vết loét không lành trên lưỡi và lưỡi bị đau.

Nguyên nhân gây ra ung thư lưỡi

Hiểu rõ nguyên nhân cũng như nắm rõ các yếu tố nguy cơ gây nên bệnh ung thư lưỡi là một vấn đề hết sức quan trọng để phòng ngừa ung thư lưỡi nói riêng và cải thiện sức khỏe nói chung:

  • Hút thuốc lá:Được biết đến là tác nhân hàng đầu gây ra ung thư phổi, nhưng việc hút thuốc cũng là nguyên nhân của hàng loạt bệnh ung thư, trong đó có bệnh ung thư lưỡi. Khói thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư miệng và vòm họng, mà lưỡi là cơ quan chịu tác động không kém.
  • Uống rượu, sử dụng chất kích thích: Các nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng, khoảng 70-80% bệnh nhân bị bệnh ung thư lưỡi hoặc ung thư miệng đều là những người hay sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác.
  • Tiếp xúc với tia xa: Tia xạ cũng là một yếu tố nguy cơ nếu thường xuyên tiếp xúc với các tia có cường độ cao. Việc tiếp xúc này sẽ gia tăng nguy cơ phát triển ung thư lưỡi và miệng cao hơn so với người khác.
  • Lịch sử gia đình: Gen di truyền được xem là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư lưỡi. Nếu trong gia đình có thành viên hoặc họ hàng mắc phải căn bệnh này thì bạn cũng có tỷ lệ mắc phải bệnh cao hơn nhiều lần người bình thường.
  • Nhiễm virus HPV:Trong số khoảng 100 loại virus HPV được người ta tìm thấy thì có một vài loại virus HPV có khả năng gây bệnh ung thư lưỡi cho người bệnh.
  • Chế độ ăn uống thiếu hợp lý:Việc ăn uống không đầy đủ, thiếu một số loại vitamin như E, D.. hay thiếu chất xơ từ hoa quả cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ung thư.

Đối tượng có nguy cơ ung thư lưỡi

Nam giới từ 50 tuổi trở lên là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất. Những người vừa hút thuốc lá vừa nghiện rượu đối mặt nguy cơ cao hơn 15 lần so với những người khác.

Ngoài các yếu tố nguy cơ nêu trên, các đối tượng có khả năng mắc ung thư lưỡi như:

  • Mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
  • Nhai trầu thường xuyên.
  • Phơi nhiễm với một số chất độc như amiăng, acid sulfuric và formaldehyde.
  • Người vệ sinh răng miệng kém hoặc có các tác nhân ảnh hưởng tới miệng như răng giả có kích thước không phù hợp, thường xuyên kích thích vào niệm mạc miệng…

Triệu chứng của ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi tiến triển qua các giai đoạn và có nhiều triệu chứng không điển hình mà ta có thể bỏ sót.

Giai đoạn đầu

  • Người bệnh có cảm giác như bị dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, cảm giác này đặc biệt khó chịu nhưng lại qua đi nhanh.
  • Ngoài ra ở niêm mạc lưỡi có điểm nổi phồng kèm theo sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc màu trắng, xơ hóa hoặc có tổn thương là một số vết loét nhỏ
  • Thậm chí ta có thể sờ thấy các tổn thương ở lưỡi dạng chắc, rắn, không mềm mại như mô lưỡi bình thường.
  • Khoảng 50% bệnh nhân có sờ thấy hạch ngay từ đầu. vị trí hay gặp là hạch dưới cằm, hạch dưới hàm.

Ở giai đoạn này gần như hầu hết các triệu chứng đều bị bỏ qua, vì đặc điểm không rõ ràng, đặc hiệu.

Giai đoạn toàn phát

Tương tự giai đoạn sớm, các dấu hiệu ung thư lưỡi trong giai đoạn này có thể dễ bị bỏ qua do tương đối giống với dấu hiệu của viêm nhiễm miệng và các vùng lân cận khác bao gồm

  • Người bệnh bị đau nhiều khi ăn uống, đau kéo dài gây nên khó khăn khi nói. Đau tăng lên khi nói, khi nhai và nhất là khi ăn đồ ăn cay, nóng, đôi khi đau có thể lan lên tai.
  • Tăng tiết nước bọt với đặc điểm nước bọt có lẫn máu, hơi thở có mùi khó chịu
  • Một số trường hợp hàm khít, làm cho lưỡi bị cố định gây khó khăn trong lúc nói và nuốt
  • Chú ý kỹ sẽ thấy có ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét là một lớp giả mạc dễ chảy máu phủ lên, tình trạng loét tiến triển nhanh, lan rộng làm hạn chế vận động lưỡi, di động không được linh hoạt

Ngoài các dấu hiệu trên, ở giai đoạn này còn xuất hiện nhiều dấu hiệu khá rõ ràng của tình trạng bệnh lý ác tính:

  • Tổn thương dạng sùi loét, tạo thành từ một vết loét nham nhở, đáy có mủ máu, bờ không đều, dễ chảy máu khi va chạm.
  • Một vài trường hợp không có dấu hiệu loét mà lại có một nhân lớn gắn chặt xuống lớp dưới, nhô lên ở phía dưới lớp niêm mạc căng nhẵn, màu tím nhạt, lớp niêm mạc lỗ rỗ những lỗ li ti mà khi ấn vào sẽ làm rỉ ra một chất dịch trắng, là dịch từ tổ chức hoại tử ở phía dưới.

Giai đoạn cuối

Trong giai đoạn này các triệu chứng biểu hiện rõ nét hơn, ít khi bị bỏ qua:

  • Tình trạng loét ở lưỡi lan rộng khắp bề mặt hoặc xuống mặt dưới, gây đau đớn, bội nhiễm làm hơi thở có mùi hôi,  ổ loét rất dễ chảy máu, thậm chí có thể gây chảy máu trầm trọng làm ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Các tổn thương u thường gặp ở bờ tự do của lưỡi, đôi khi ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc gặp ở đầu lưỡi.

Ngoài ra các triệu chứng sau cảnh báo tình trạng bệnh vào giai đoạn cuối như:

  • Giảm cân đột ngột mà không sử dụng phương pháp giảm cân nào: triệu chứng này cảnh báo tình trạng bệnh đã tiến triển đến giai đoạn khó điều trị.
  • Mệt mỏi: Bạn có cảm giác cơ thể luôn mệt mỏi. Biểu hiện này thường xuyên xảy ra và không có lí do.
  • Rối loạn tiêu hóa: Ăn no nhanh chóng là một biểu hiện hay gặp ở bệnh ung thư lưỡi. Sau khi ăn không lâu sẽ tức bụng, xảy ra đầy hơi, nôn, buồn nôn. Bụng trở nên căng tức, đại tiện bất thường, trong phân có lẫn chất nhầy.
  • Sốt: Triệu chứng này kéo dài trong vài tháng làm cho bệnh nhân vô cùng khó chịu và mệt mỏi.

Cách phòng ngừa ung thư lưỡi hiệu quả

Tất cả mọi người đều có khả năng mắc bệnh ung thư, đó là sự thật đáng lo ngại trong xã hội ngày nay. Chính vì thế, việc phòng bệnh là yếu tố vô cùng quan trọng để có một cuộc sống vui vẻ, bình an.

Bệnh nhân đã được điều trị ung thư thì càng hiểu rõ giá trị của việc phòng bệnh. Vì vậy cần lên kế hoạch cho tương lai của mình, tránh để cho ung thư tái phát lần thứ hai. Đối với ung thư lưỡi, việc phòng ngừa mắc mới và tái phát có một số điểm chung như sau:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách: Dùng bàn chải đánh rang cá nhân và dùng chỉ nha khoa đúng cách để vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Răng miệng không được khỏe mạnh sẽ làm giảm hệ thống miễn dịch và suy yếu khả năng chống lại bệnh ung thư tiềm tàng của cơ thể.
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn nhiều loại hạt, đậu, hoa quả, rau họ cải (như cải bắp, bông cải xanh), các loại rau lá màu xanh đậm, hạt lanh, tỏi, trà xanh, đậu nành và cà chua; thay thế các món chiên nhiều dầu mỡ và nướng bằng các món luộc, hấp. Sử dụng nhiều loại gia vị lành mạnh và có khả năng khử khuẩn như tỏi, gừng để thêm hương vị.
  • Từ bỏ thói quen gây hại: Không hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích như rượu, bia… quá mức
  • Tập thể dục thường xuyên: Vận động, tập thể dục thường xuyên vừa giúp tăng sức đề kháng vừa phòng tránh ung thư.
  • Khám nha khoa thường xuyên: Khám nha khoa định kỳ với các xét nghiệm sàng lọc cho phép bạn phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm. Đặc biệt là khi có các vấn đề rang miệng như xuất hiện vết loét lâu ngày không khỏi, lưỡi màu trắng hoặc đỏ ở hai bên, có thể hơi đau hoặc không đau…

Chẩn đoán ung thư lưỡi

Để chẩn đoán ung thư lưỡi, cần đi khám sớm để bác sĩ khai thác các thông tin tiền sử, bệnh sử, thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng.

Lâm sàng

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng ung thư thường nghèo nàn và dễ bị bỏ sót vì không đặc hiệu.

Ở giai đoạn toàn phát sẽ có những dấu hiệu sau:

  • Đau: đau tăng lên khi nói, nhai và đôi khi lan lên tai.
  • Tăng tình trạng tiết nước bọt.
  • Khạc ra nước bọt có lẫn máu.
  • Hơi thở mùi hôi thối
  • Một số trường hợp khít hàm, khó nói và khó nuốt.
  • Thương tổn dạng sùi loét hoặc loét có giả mạc
  • Bờ ổ loét nham nhở, dễ chảy máu.

Cận lâm sàng

  • Sinh thiết và xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định.
  • Chụp CT-MRI vùng cổ – họng, Xquang phổi để đánh giá độ lan rộng và di căn của khối u.
  • Siêu âm vùng cổ dùng để đánh giá hạch cổ.
  • Xét nghiệm PCR để tìm virus HPV.

Điều trị ung thư lưỡi

Các phương pháp điều trị ung thư lưỡi bao gồm:

Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị cơ bản và được dùng nhiều để điều trị bệnh ung thư, và ung thư lưỡi cũng không ngoại lệ. Ở giai đoạn sớm, phẫu thuật có thể điều trị tiệt căn, sang giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp cả phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trong một số trường hợp khi ở giai đoạn muộn có chảy máu nhiều tại khối u thì cần phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài nhằm cầm máu.

Xạ trị: Phương pháp này có thể được sử dụng đơn thuần trong điều trị các trường hợp ung thư lưỡi ở giai đoạn muộn mà không còn chỉ định phẫu thuật hoặc dùng xạ trị triệt căn trong trường hợp ung thư giai đoạn sớm.

Hoá trị: Có thể dùng hóa trị theo đường toàn thân hoặc đường động mạch lưỡi, dùng đơn hoá chất hoặc kết hợp đa hoá chất. Hóa chất có thể dùng trước hoặc sau phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa chất sử dụng để điều trị triệu chứng. Hóa trị trước phẫu thuật hoặc xạ trị là phương pháp giúp thu nhỏ, ngăn chặn sự phát triển của khối u cũng như nhằm ngừng cung cấp chất dinh dưỡng cho các tế bào ác tính phát triển.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *