Nổi gân xanh trên da: Những điều bạn nên biết

Nổi gân xanh trên da: Những điều bạn nên biết

Gân xanh chính là hệ thống tĩnh mạch nông nằm dưới da. Nổi gân xanh trên da thường gặp ở người già, phụ nữ mang thai, người có thể trạng gầy yếu,….Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nổi gân xanh trên da là biểu hiện của một số tình trạng bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, suy giãn tĩnh mạch chi dưới).

Nổi gân xanh trên da là hiện tượng gì?

Nổi gân xanh trên da là hiện tượng các tĩnh mạch nổi rõ trên da, có thể trông thấy bằng mắt thường. Nổi gân xanh trên da có thể chỉ là hiện tượng tự nhiên, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nó cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho tình trạng bệnh lý cơ thể mắc phải. 

Khi nào nổi gân xanh trên da là hiện tượng tự nhiên?

Trước khi tìm hiểu về hiện tượng nổi gân xanh trên bề mặt da, chúng ta cùng tìm hiểu về hệ thống tĩnh mạch trong cơ thể.

  • Như chúng ta đã biết, tĩnh mạch (còn gọi là ven) là mạch máu nằm trong hệ tuần hoàn của cơ thể, có chức năng dẫn lưu máu từ các mao mạch có nồng độ Oxy thấp trở về tim (ngoại trừ tĩnh mạch phổi: dẫn máu giàu Oxy đến tim). Tĩnh mạch được phân chia làm 4 loại chính, bao gồm: tĩnh mạch phổi, tĩnh mạch hệ thống, tĩnh mạch nông (tĩnh mạch dưới da) và tĩnh mạch sâu. Trong đó:

+ Các tĩnh mạch phổi: dẫn máu giàu oxy từ phổi đến tâm nhĩ trái của tim.

+ Các tĩnh mạch hệ thống: dẫn máu nghèo oxy từ các cơ quan khác trong cơ thể (ruột, gan, lá lách, thận,….) về tâm nhĩ phải của tim.

+ Các tĩnh mạch nông: chúng nằm ngay dưới bề mặt da, có thể quan sát bằng mắt thường (hiện tượng nổi gân xanh trên da)

+ Các tĩnh mạch sâu: chúng nằm sâu bên trong mô cơ và thường nằm gần một động mạch có cùng tên tương ứng.

  • Nổi gân xanh trên da có thể gợi ý tình trạng sức khỏe của bạn (trong bệnh lý). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, nổi gân xanh trên da chỉ là hiện tượng sinh lý tự nhiên, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

+ Nổi gân xanh trên da do màu da nhạt: những người có làn da trắng sẽ dễ nhìn thấy gân xanh nổi rõ trên da hơn so với những người sạm màu. Bên cạnh đó, độ dày hay mỏng của làn da cũng có vai trò quyết định. Khi chúng ta già đi, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu quá trình lão hóa tự nhiên, trong đó lớp chất béo dưới bề mặt da trở nên mỏng hơn nên ở người cao tuổi, ta thường thấy có gân xanh nổi rõ trên bàn tay, chân và các bộ phận khác của cơ thể.

+ Nổi gân xanh trên da ở người có thể tạng gầy: Với những người gầy yếu, quá trình tổng hợp chất béo trong cơ thể hạn chế nên lớp mỡ dưới da mỏng, không đủ để che phủ được hoàn toàn các tĩnh mạch nông dưới da nên chúng trở nên nổi bật, dễ quan sát bằng mắt thường.

+ Nổi gân xanh trên da khi cơ thể vận động mạnh: Khi cơ thể vận động luyện tập với cường độ cao, các cơ bắp của bạn sẽ hoạt động bằng cách phồng lên và đẩy các tĩnh mạch tiến sát bề mặt làn da gây hiện tượng nổi gân xanh trên da. Sau khi kết thúc quá trình luyện tập, cơ bắp của bạn giãn ra và tĩnh mạch lại trở về vị trí cũ và mờ dần đi.

+ Nổi gân xanh ở phụ nữ mang thai: Để nuôi dưỡng thai nhi, tổng lượng máu trong cơ thể của một người mang thai thường cao lớn hơn so với phụ nữ bình thường. Do đó hệ thống mạch máu, trong đó có các tĩnh mạch phải hoạt động nhiều hơn. Nếu trong quá trình mang thai, bạn đột nhiên nhìn thấy những gân xanh nổi lên cũng đừng quá lo lắng, chúng thường sẽ biến mất sau khi sinh.

Khi nào nổi gân xanh trên da là dấu hiệu chỉ điểm cho bệnh lý?

Dưới đây là một số trường hợp nổi gân xanh trên da báo hiệu tình trạng bệnh lý liên quan đến tĩnh mạch hoặc cơ quan trong cơ thể.

Nổi gân xanh vùng đầu

Khi các tĩnh mạch trên đầu có dấu hiệu sưng lên rõ nét có thể đi kèm với các triệu chứng như nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt,…có thể là dấu hiệu của bệnh lý xơ cứng động mạch não và có nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ. Nếu tĩnh mạch ở vùng thái dương phình ra, đa phần các trường hợp bệnh nhân bị tăng huyết áp. Nếu tĩnh mạch chuyển sang màu tím đen thì rất dễ có nguy cơ bị đột quỵ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân. Nếu tĩnh mạch xuất hiện ở trán là dấu hiệu người bệnh đã chịu căng thẳng và áp lực công việc trong suốt một thời gian dài.

Nổi gân xanh vùng cổ

Khi bạn bị gân xanh nổi lồi lên ở vùng cổ, báo hiệu 2 tình trạng bệnh lý:

  • Tình huống thứ nhất: chức năng tim có vấn đề, đa phần nổi gân xanh vùng cổ gặp ở các bệnh nhân mắc các bệnh tim phổi
  • Tình huống thứ hai:  bệnh nhân đang bị viêm màng ngoài tim hoặc tràn dịch màng màng tim, cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh.

Nổi gân xanh ở vùng bụng

Nổi gân xanh vùng bụng có thể là dấu hiệu của bệnh lý về xơ gan hay khối u ở gan. 

+ Xơ gan: là bệnh lý viêm gan mãn tính đặc trưng bởi sự thay thế mô gan khỏe mạnh bằng tổ chức xơ, mô sẹo và sự thành lập các nốt tân sinh dẫn đến suy giảm chức năng gan. Các nguyên nhân gây xơ gan thường gặp bao gồm: lạm dụng bia rượu, nhiễm virus viêm gan B, C, gan nhiễm mỡ.

+ U gan là bệnh lý trong đó các tế bào gan phát triển bất thường và xâm lấn vào khu vực vào mô, cơ quan xung quanh. U gan có thể tiến triển lành tính hoặc ác tính.

Nổi gân xanh ở tay và bàn tay

Gân xanh tập trung nhiều dưới da tay, nhất là ở mu bàn tay là biểu hiện của bệnh suy giãn tĩnh mạch tay thường gặp ở người lớn tuổi. 

Nổi gân xanh ở ngón tay

Gân xanh nổi trên ngón tay thường là dấu hiệu của bệnh tiêu hóa. Tĩnh mạch nổi ở các đốt ngón tay thường liên quan các bệnh lý về dạ dày, bệnh trĩ, bệnh táo bón. Tuy nhiên, nếu bệnh có dấu hiệu được cải thiện thì các gân xanh này sẽ mờ dần và biến mất. Nếu gân xanh xuất hiện ở mép ngoài của ngón út thì cho thấy chức năng thận không tốt, người bệnh hay bị mệt mỏi, ra mồ hôi trộm và cơ bắp yếu ớt.

Nổi gân xanh ở bộ phận sinh dục (nam giới)

Một số nam giới khi quan sát kỹ có rất nhiều tĩnh mạch nổi lên nhiều trong bìu. Đây là dấu hiệu bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh. Những người bị bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh mức độ nhẹ sẽ xuất hiện cảm giác nặng vùng đáy chậu, hơi đau và sưng, đau lưng. Trường hợp bệnh diễn biến nặng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của tinh trùng dẫn đến chất lượng tinh trùng của nam giới. 

Nổi gân xanh ở chân

Nếu trên hai bắp chân của bạn xuất hiện nhiều gân xanh nổi nhiều thì có nguy cơ cao mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh gì?

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng bệnh lý trong đó máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm gia tăng áp máu trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra. Nếu không được can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách, bệnh tiếp tục tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. 

Nguyên nhân của suy giãn tĩnh mạch chi dưới là gì?

Dưới đây liệt kê một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

+ Do tư thế sinh hoạt, làm việc: người phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, người nằm viện lâu ngày…tạo điều kiện thuận lợi để máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày gây suy giãn các tĩnh mạch. 

+ Người phụ nữ mang thai nhiều lần, trải qua nhiều lần sinh đẻ, người thừa cân hay có thể trạng béo phì, táo bón kinh niên, di truyền, nội tiết, sử dụng thuốc tránh thai đường uống, ít tập thể dục, hút thuốc lá thường xuyên, chế độ ăn nghèo chất xơ và vitamin… cũng làm cho bệnh suy giãn tĩnh mạch trở nên nặng hơn.

+ Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới ngăn cản sự lưu thông của máu trở về tim gây ra viêm tĩnh mạch.

+ Người bị khiếm khuyết van tĩnh mạch do dị tật bẩm sinh.

+  Quá trình lão hóa tự nhiên do tuổi tác (thường gặp ở người già): tuổi thọ ngày càng cao sẽ khiến các van tĩnh mạch ngày càng suy yếu, do đó người cao tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Biểu hiện của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển âm thầm, các triệu chứng của bệnh ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, do đó bệnh nhân có thể bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh.

+ Giai đoạn đầu: triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường không rõ ràng và thoáng qua. Bệnh nhân có cảm giác nặng chân, có thể nhận thấy đi giày dép chật hơn bình thường. Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể có các triệu chứng như mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, cảm giác như kiến bò trên da hay như bị kim châm vùng cẳng chân, chuột rút vào ban đêm… Bệnh nhân cũng có thể nhìn thấy mạch máu nhỏ li ti trên bề mặt da như mạng nhện. Các triệu chứng kể trên có thể mất đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi, các tĩnh mạch chưa bị giãn nhiều, lúc giãn lúc không nên bệnh nhân ít chú ý và dễ bỏ qua.

+ Giai đoạn tiến triển: Bắt đầu xuất hiện triệu chứng phù ở mắt cá hay bàn chân của bệnh nhân. Vùng cẳng chân có thể thay đổi màu sắc da, nguyên nhân là do thiếu oxy thiếu dinh dưỡng do máu tĩnh mạch ứ lâu ngày. Các tĩnh mạch căng giãn khiến bệnh nhân có cảm giác đau tức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân. Triệu chứng phù không mất đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi, trong trường hợp nặng hơn có thể thấy xuất hiện các búi tĩnh mạch nổi to rõ trên da thường xuyên, các mảng bầm tím trên da…

+ Giai đoạn biến chứng: các tĩnh mạch nông giãn to gây rối loạn tuần hoàn máu chi dưới, biểu hiện trên lâm sàng là viêm loét hai chân, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Huyết khối theo dòng máu có thể di chuyển đến phổi gây tắc động mạch phổi, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.

Các giai đoạn tiến triển của suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển theo 6 cấp độ: từ C1 đến C6.

+ C1: Tĩnh mạch chi dưới giãn có hình mạng nhện hay dạng lưới

+ C2: Giãn tĩnh mạch lớn dưới da trên 3mm

+ C3: Phù

+ C4: Thay đổi cấu trúc da và các mô dưới da (chàm da)

+ C5: Loét có thể lành

+ C6: Loét không lành

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Dưới đây là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới tại nhà:

  • Hạn chế ngồi lâu hoặc đứng lâu
  • Kê chân cao khi nằm nghỉ
  • Đi tất thun hoặc quấn chân bằng băng thun
  • Tập hít thở sâu
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Duy trì cân nặng, tránh bệnh béo phì
  • Có chế độ ăn lành mạnh, tăng cường rau củ quả, chất xơ để tránh táo bón

Chúng ta cần làm gì để hạn chế hiện tượng nổi gân xanh trên da?

Dưới đây là biện pháp hiệu quả để hạn chế hiện tượng nổi gân xanh trên da:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất: 

+ cân bằng 4 nhóm dưỡng chất (chất béo – chất đạm – đường bột – chất xơ – vitamin và khoáng chất) trong mỗi bữa ăn

+ Với người béo phì, cần xây dựng chế độ ăn khoa học, tránh ăn kiêng quá mức dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng cho cơ thể

  • Duy trì cân nặng của cơ thể ở mức lý tưởng: theo dõi chỉ số BMI của cơ thể. Chỉ số BMI tính bằng công thức: BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao. Chiều cao). Trong đó, trọng lượng cơ thể tính bằng kg, chiều cao tính bằng m. Công thức trên áp dụng người trưởng thành (trên 18 tuổi).
  • Trước khi tập thể dục thể thao, cần khởi động cơ bắp khoảng 10 – 15 phút.
  • Matxa chân và tay thường xuyên với nước ấm để tránh bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, đặc biệt là áp dụng với người cao tuổi.
  • Hạn chế đi giày cao gót thường xuyên
  • Giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, tránh căng thẳng lo âu quá mức
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để theo dõi trạng sức khỏe hiện tại của bản thân và phát hiện sớm nguy cơ bệnh tật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *