Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, đảm nhận chức năng có vai trò sống còn với cơ thể như chức năng tiêu hóa, chuyển hóa thuốc, chức năng chống độc và sản xuất ra các yếu tố đông máu. Tuy nhiên, gan cũng là một trong cơ quan dễ bị tổn thương do các yếu tố như: bia rượu, thuốc, hóa chất độc hại, virus,…Nốt vôi hóa gan là kết quả của quá trình hình thành sẹo ở nhu mô gan do tổn thương gan trong thời gian dài.
Nốt vôi hóa gan là gì?
Nốt vôi hóa gan là hệ quả sau quá trình tổn thương gan mãn tính. Bản chất vôi hoá gan không phải là bệnh mà chỉ là một vết sẹo để lại sau một tổn thương ở gan, do áp xe gan hoặc bị nhiễm các loại ký sinh trùng. Những vết tổn thương tạo thành những hạt sỏi nhỏ, dần bị vôi hoá cứng và đọng lại trong đường mật trong gan và không thể thoát ra ngoài cơ thể. Nốt vôi hóa nếu tiến triển có thể làm ảnh hưởng đến chức năng của gan.
Nguyên nhân hình thành nốt vôi hóa gan là gì?
Nốt vôi hóa ở gan là hệ quả của quá trình tổn thương mạn tính ở nhu mô gan, trong đó các tế bào gan hồi phục không hoàn toàn. Tất cả các nguyên nhân gây viêm gan đều có thể dẫn đến hình thành nốt vôi hóa ở gan.
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến sự hình thành nốt vôi hóa ở gan
- Vôi hóa gan do bia rượu: Uống nhiều bia rượu là nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương tế bào gan
- Vôi hóa gan do nhiễm ký sinh trùng: Một số ký sinh trùng như sán lá gan nhỏ, sán lá gan lớn ký sinh ở đường dẫn mật trong gan dẫn đến ứ mật ở gan. Dịch mật chứa muối mật và acid mật tràn vào nhu mô gan gây tổn thương tế bào gan
- Vôi hóa gan do nhiễm virus gây viêm gan B và C: Virus viêm gan B và C phân chia trong tế bào gan gây phá hủy tế bào gan. Mô gan khỏe mạnh không được hồi phục hoàn toàn có thể được thay thế bằng mô sẹo (nốt vôi hóa)
- Vôi hóa gan do thuốc: Gan là cơ quan chuyển hóa thuốc lớn nhất của cơ thể. Một số thuốc chuyển hóa tại gan thành chất độc và tấn công trực tiếp tế bào gan khỏe mạnh. Ví dụ khi uống quá liều thuốc hạ sốt Paracetamol, một lượng nhỏ thuốc được gan chuyển hóa thành chất NAQI – chất rất độc gây hoại tử tế bào gan.
- Vôi hóa gan do rối loạn chuyển hóa: gan nhiễm mỡ
- Vôi hóa gan do mắc bệnh lý di truyền: bệnh Wilson, dư thừa sắt,…
Nốt vôi hóa gan có nguy hiểm không?
Nốt vôi hóa gan có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào kích thước của nốt vôi hóa gan và mức độ ảnh hưởng của nốt vôi hóa gan với chức năng gan.
- Giai đoạn đầu của quá trình vôi hóa gan: Kích thước của nốt vôi hóa còn nhỏ, xét nghiệm chức năng gan bình thường. Người bệnh thường không có biểu hiện triệu chứng trên lâm sàng
- Giai đoạn sau – quá trình vôi hóa gan tiến triển: Kích thước của nốt vôi hóa lớn hơn, chúng thay thế vị trí tế bào gan khỏe mạnh dẫn đến chức năng gan bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, các nốt vôi hóa tiến triển có thể chèn ép vào dây thần kinh gây đau vùng mạn sườn ở bệnh nhân.
- Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi nốt vôi hóa ảnh hưởng đến chức năng gan:
+ Sốt cao, rét run
+ Vàng da, niêm mạc, củng mạc mắt,…
+ Rối loạn tiêu hoá do các nốt vôi làm tắc đường mật, dịch mật bị ứ tắc tại gan do đó không thể xuống tá tràng để tiêu hóa thức ăn
+ Trầm trọng hơn là ứ mật mãn tính hoặc dẫn tới xơ gan – mật.
- Nếu không được điều trị, quá trình vôi hóa ở gan tiến triển thành bệnh xơ gan, thậm chí thúc đẩy quá trình hình thành khối u ác tính ở gan.
Biến chứng của quá trình vôi hóa gan
Vôi hóa gan ở giai đoạn đầu thường không ảnh hưởng đến chức năng gan và sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời nốt vôi hóa ở gan có thể tiến triển thành xơ gan và ung thư gan.
+ Xơ gan: là hậu quả của quá trình tổn thương gan mạn tính, mô sẹo thay thế mô gan bình thường ở gan dẫn đến chức năng gan suy giảm. Xơ gan gồm hai giai đoạn: xơ gan còn bù và xơ gan mất bù
+ Ung thư gan: là bệnh lý ác tính trong đó các tế bào gan phát triển và phân chia mất kiểm soát (loạn sản) và xâm lấn vào vị trí khác của cơ thể: tim, phổi, lách,…(di căn)
Điều trị nốt vôi hóa gan
- Điều trị nốt vôi hóa gan ở giai đoạn đầu (chức năng gan bình thường)
Phương pháp điều trị chủ yếu ở giai đoạn này là xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và sinh hoạt điều độ ở bệnh nhân
- Điều trị nốt vôi hóa gan ở giai đoạn tiến triển (suy giảm chức năng gan)
+ Điều trị bằng thuốc
+ Phẫu thuật loại bỏ nốt vôi hóa gan
Thuốc điều trị vôi hóa gan
Điều trị vôi hóa gan bằng cách sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân gây tổn thương gan hình thành nốt vôi hóa đồng thời kết hợp với các thực phẩm chức năng giúp tăng cường chức năng gan.
Điều trị vôi hóa gan theo nguyên nhân hình thành
- Nguyên nhân nốt vôi hóa gan do rượu bia
Nếu nốt vôi hóa gan được hình thành do uống quá nhiều bia, rượu, bệnh nhân cần ngừng uống rượu bia, có thể bổ sung một số thực phẩm tăng cường chức năng gan.
- Nguyên nhân vôi hóa gan do virus viêm gan B, C
Nếu vôi hóa gan là hậu quả sau nhiễm virus viêm gan B và C, sử dụng các thuốc kháng virus để điều trị. Dưới đây là các thuốc kháng virus viêm gan B, C sử dụng phổ biến trên lâm sàng:
Nhóm thuốc kháng virus viêm gan B, C đường uống
+ Tenofovir disoproxil (tên thương mại: Viread): uống 1 viên/ngày trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn, ít tác dụng phụ
+ Tenofovir alafenamide (tên thương mại: Vemlidy): uống 1 viên/ngày trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn, ít tác dụng phụ
+ Entecavir (tên thương mại: Baraclude): uống 1 viên/ngày trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn, ít tác dụng phụ
+ Telbivudine (tên thương mại: Tyzeka hoặc Sebivo): uống 1 viên/ngày trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn, ít tác dụng phụ. Đây được coi là một lựa chọn điều trị virus hàng thứ hai
+ Adefovir Dipivoxil (tên thương mại: Hepsera): uống 1 viên/ngày trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn, ít tác dụng phụ. Đây được coi là một lựa chọn điều trị virus hàng thứ hai và bệnh nhân phải được theo dõi chức năng thận thường xuyên
+ Lamivudine (tên thương mại: Epivir-HBV, Zeffix hoặc Heptodin): uống 1 viên/ngày trong ít nhất một năm hoặc lâu hơn, ít tác dụng phụ. Đây là thuốc cũ, ít hiệu quả hơn, hầu hết mọi người đều bị kháng thuốc trong vòng một hoặc hai năm.
Nhóm thuốc kháng virus viêm gan B, C đường tiêm (Interferons điều hòa miễn dịch)
Pegylated Interferon (biệt dược: Pegasys): tiêm 1 lần mỗi tuần, điều trị từ 6 tháng đến 1 năm
- Nguyên nhân vôi hóa gan do rối loạn chuyển hóa tại gan (gan nhiễm mỡ)
Có thể làm chậm tiến triển của quá trình vôi hóa gan ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ bằng thuốc hạ cholesterol máu.
+ Thuốc hạ cholesterol máu nhóm statin: lovastatin, fluvastatin, pravastatin, simvastatin.
+ Thuốc hạ cholesterol máu nhóm fibrate: Gemfibrozil
Thực phẩm chức năng hỗ trợ chức năng gan
Ngoài thay đổi lối sống cũng như sử dụng thuốc điều trị nguyên nhân hình thành nốt vôi hóa gan, bệnh nhân có thể sử dụng thêm các loại chức năng tăng cường chức năng gan theo sự tư vấn của bác sĩ/dược sĩ. Dưới đây là top 3 thực phẩm chức năng giúp tăng cường chức năng gan hiệu quả nhất:
- Thực phẩm chức năng Boganic của Traphaco: Viên uống Boganic được chiết xuất từ các thành phần hoạt chất: cao bìm bìm, atiso, rau đắng đất,…có tác dụng mát gan, thanh thải độc tố, tăng cường chức năng gan mật.
- Thực phẩm chức năng giải độc chức năng gan Hewel – Mỹ: Viên uống Hewel chứa thành phần hoạt chất là S. marianum có tác dụng kháng khuẩn, thải độc gan, kháng tế bào khối u
- Viên uống Healthy Care Liver Detox – Úc: Thành phần viêm uống được chiết xuất từ hạt của cây kế sữa, inositol, taurin, cholin,…Viên uống thích hợp cho người suy giảm chức năng gan do rượu bia hoặc sử dụng thuốc dài ngày.
Chẩn đoán nốt vôi hóa ở gan
Chẩn đoán nốt vôi hóa ở gan bao gồm chẩn đoán lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng.
Chẩn đoán lâm sàng
Nếu nốt vôi hóa có kích thước nhỏ và chưa ảnh hưởng đến các tế bào gan khỏe mạnh, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Tuy nhiên nếu quá trình vôi hóa ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có triệu chứng của suy giảm chức năng gan như:
+ Mệt mỏi, chán ăn
+ Cảm giác ngứa ngáy trên da
+ Vàng da, mắt và niêm mạc
+ Phù
+ Nốt xuất huyết trên da
Chẩn đoán cận lâm sàng
Chẩn đoán cận lâm sàng được ứng dụng để phát hiện nốt vôi hóa ở gan qua hình ảnh (siêu âm gan) và để đánh giá mức độ tổn thương của tế bào gan (xét nghiệm chức năng gan)
Siêu âm gan
Siêu âm gan là một dạng chẩn đoán hình ảnh có thể phát hiện tổn thương ở gan, trong đó có nốt vôi hóa gan.
Xét nghiệm chức năng gan
Xét nghiệm chức năng gan là một nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe của tế bào gan. Dưới đây là một số xét nghiệm chức năng gan phổ biến trên lâm sàng:
+ Xét nghiệm nồng độ ALT (tên gọi khác là SGPT): ALT là một loại enzyme tham gia vào quá trình bẻ gãy các chuỗi protein và ALT được tìm thấy chủ yếu ở gan. Nồng độ cao ALT trong máu gợi ý rằng có sự tổn thương gan xảy ra.
+ Xét nghiệm nồng độ AST (tên khác là SGOT): Aspartate transaminase là một loại enzyme khác được tìm thấy ở gan, và nếu nồng độ AST trong máu cao cũng là dấu hiệu của bệnh lý tại gan.
+ Xét nghiệm nồng độ ALP (xét nghiệm nồng độ phosphatase kiềm): Alkaline phosphatase là một loại enzyme được tạo ra tại gan, ống mật và xương, do đó nồng độ alkaline phosphatase sẽ tăng khi viêm gan hoặc có bệnh lý về gan, khi tắc đường mật hoặc khi có bệnh lý về xương.
+ Xét nghiệm nồng độ albumin và protein toàn phần trong máu: Gan sản xuất ra hai loại protein chính là globulin và albumin (albumin chỉ được sản xuất từ gan, globulin còn được sản xuất từ cơ quan khác ngoài gan như tế bào lympho B). Nồng độ của những protein vừa nêu trong máu thấp đồng nghĩa chức năng gan suy giảm.
+ Xét nghiệm nồng độ bilirubin trong máu: Bilirubin là thành phần được giải phóng ra khi các tế bào hồng cầu bị thoái hóa, và bình thường quá trình xử lý bilirubin sẽ được thực hiện tại gan. Nếu gan bị tổn thương, quá trình xử lý bilirubin không đảm bảo và gây ra hiện tượng vàng da, niêm mạc, vàng mắt,..
+ Xét nghiệm nồng độ GGT: Nồng độ GGT cao trong máu có thể là biểu hiện của tổn thương gan hoặc ống mật.
+ Xét nghiệm nồng độ LD (lactate dehydrogenase): Nồng độ enzyme lactate dehydrogenase tăng cao khi có tổn thương gan xảy ra, nhưng nếu bệnh nhân mắc một số bệnh lý khác cũng có thể gây tăng nồng độ enzyme này.
+ Xét nghiệm thời gian prothrombin: Đây là một xét nghiệm nhằm xác định thời gian đông máu. Nếu thời gian prothrombin kéo dài thì đây là một dấu hiệu sớm của tổn thương gan, bởi gan là cơ quan đảm nhiệm sản xuất các yếu tố đông máu.
Điều trị vôi hóa gan
Hiện nay chưa có thuốc nào có tác dụng làm tan các nốt vôi hóa ở gan. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm chậm quá trình tiến triển của nốt vôi hóa, phòng ngừa bệnh xơ gan và ung thư gan bằng cách xây dựng lối sống và chế độ dinh dưỡng khoa học.
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học
+ Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều cholesterol (nội tạng động vật, mỡ động vật, các loại thịt đỏ, lòng đỏ trứng…) nhằm giảm nguy cơ hình thành sỏi mật.
+ Tăng cường chế độ ăn rau xanh và hoa quả tươi giàu vitamin và khoáng chất.
+ Không nên ăn khuya, ăn đêm, hoặc ăn quá no để không khiến gan làm việc quá sức.
+ Hạn chế uống rượu bia, các đồ uống có cồn, không sử dụng chất kích thích, không hút thuốc lá
Không thức khuya, ngủ đủ giấc
Đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi đêm, không thức khuya để tránh ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học và bỏ lỡ thời gian giải độc của các cơ quan, đặc biệt là gan. Thời gian giải độc của gan là từ 11h đêm đến 1h sáng, vì vậy bạn cần ngủ đủ giấc trước thời gian này để gan hoạt động tốt nhất.
Thường xuyên tập thể dục, tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời
Tập thể dục, chơi thể thao không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tinh thần, giảm stress, mà còn tăng cường thể lực, đồng thời bảo vệ gan khỏi quá trình vôi hóa hay những bệnh lý nguy hiểm khác như: viêm gan, xơ gan, ung thư gan…
Uống nhiều nước
Theo khuyến cáo, nên uống 1,5 – 2 lít nước hàng ngày. Ngoài nước lọc, bệnh nhân cũng có thể thường xuyên uống trà atiso hoặc nhân trần. Đây là những loại thảo dược có tác dụng tăng tiết dịch mật, giảm nguy cơ hình thành sỏi mật – nguyên nhân dẫn tới tắc đường mật và hình thành nốt vôi hóa tại gan.
Tẩy giun sán định kỳ
Theo khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe, nên tẩy giun định kỳ sáu tháng một lần đối với người khỏe mạnh bình thường để tránh bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa, hệ gan – mật
Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần
Cứ mỗi 6 tháng, người bệnh nên đến cơ sở y tế để kiểm tra xem các nốt vôi hóa gan có phát triển lớn hơn hay không. Khám sức khỏe định kỳ là việc rất cần thiết, giúp phát hiện sớm những bệnh nguy hiểm, cũng như tầm soát các nguy cơ ung thư gan để có hướng kiểm soát và điều trị kịp thời.