Bệnh sán lá gan có nguy hiểm không và các điều trị

Bệnh sán lá gan có nguy hiểm không và các điều trị

Bệnh sán lá gan lớn (tên khoa học: Fasciola) gồm hai loài là Fasciola hepatica và Fasciola gigantica chủ yếu gây bệnh ở động vật nhai lại như: bò, ngựa, dê, cừu…và gây bệnh ở người.

Đặc điểm của sán lá gan lớn trưởng thành

Cũng giống như các loài thuộc họ Sán, Sán lá gan lớn trưởng thành có hình dạng giống như một chiếc lá, cơ thể dẹt và lưỡng tính. Dưới đây là một số đặc điểm hình thái của sán lá gan lớn cụ thể:

+ Kích thước cơ thể khoảng 20 – 30 mm x 5 – 12 mm, có màu hồng hoặc xám đỏ

+ Sán lá gan lớn có hai hấp khẩu: hấp khẩu miệng có kích thước 1mm, hấp khẩu bụng có kích thước lớn hơn khoảng 1,6 mm lùi về phía trước thân. Hấp khẩu miệng có chức năng hấp thu thức ăn, trong khi đó hấp khẩu bụng có vai trò giúp sán lá bám chắc vào vật chủ để ký sinh.

+ Đặc điểm hệ tiêu hóa: Thực quản ngắn, ống tiêu hoá khá dài và phân chia thành nhiều nhánh nhỏ

+ Đặc điểm của hệ sinh dục: sán lá gan lớn lưỡng tính; trong đó vị trí tinh hoàn nằm sau buồng trứng và có cấu trúc phân nhánh.

Đặc điểm của trứng sán lá gan lớn

Trứng sán lá gan lớn có kích thước trung bình khoảng 140 x 80µm, có hình bầu dục, bị nhuộm vàng bởi sắc tố mật. Trứng bao bọc bởi lớp vỏ, bên trong là khối nhân đang phân chia.

Vòng đời của sán lá gan lớn

Vòng đời của sán lá gan lớn tương đối phức tạp. Chúng ký sinh trong lá gan và đường dẫn mật của con người hoặc một số loại động vật ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu, ngựa,…

Đến thời kì sinh sản, sán lá gan trưởng thành bắt đầu đẻ trứng. Trứng tạo ra sẽ theo đường mật xuống tá tràng và thải ra ngoài cơ thể theo phân. Khi trứng gặp nước nở ra ấu trùng lông, sẽ mất khoảng 9 đến 20 ngày để hoàn tất quá trình thành hình ấu trùng sán lá gan.

Ấu trùng lông của sán lá gan lớn sẽ chọn ốc thuộc giống Limnea làm vật chủ trung gian và phát triển thành ấu trùng đuôi trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 tuần. Khi ấu trùng lông rời khỏi cơ thể ốc Limnea, chúng sẽ bơi tự do trong nước hoặc bám vào loại thực vật thủy sinh như bèo tây, một số loài rau sinh sống dưới nước như rau cần, cải xoong,…để tạo nang ấu trùng.

Khi con người hoặc động vật ăn cỏ(trâu, bò,…) ăn phải thực vật thủy sinh hoặc hoặc uống nước có chứa nang ấu trùng sán lá gan thì sẽ bị nhiễm bệnh sán lá gan. Nang ấu trùng sẽ xâm nhập vào đường tiêu hóa thông qua miệng, thoát nang (kén) sau khoảng 1 giờ và xuyên qua thành ruột đến gan. Trải qua 6 ngày kể từ khi thoát kén, ấu trùng sẽ xuất hiện ở gan và di chuyển đến đường dẫn mật trong gan để ký sinh.

Chu kì phát triển của sán lá gan trong cơ thể con người từ khi lây nhiễm nang ấu trùng qua đường tiêu hóa đến khi sán trường thành đẻ trứng dao động từ 3 – 4 tháng. Tuổi thọ của sán lá gan lớn ở cơ thể người từ 9 đến 13,5 năm.

Triệu chứng của bệnh sán lá gan lớn

Bệnh sán lá gan lớn phân chia thành hai giai đoạn.

1. Giai đoạn sán lá gan lớn xâm nhập vào nhu mô gan

Khi người ăn sống rau mọc dưới nước hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán, ấu trùng sán vào dạ dày, xuống tá tràng, thoát vỏ và xuyên qua thành tá tràng và màng bụng xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Ở giai đoạn đầu, khi số lượng sán trưởng thành còn ít, nhu mô gan tổn thương ở mức độ nhẹ, bệnh nhân thường không có biểu hiện rõ rệt. Tuy nhiên ở giai đoạn sau, số lượng sán lá gan ký sinh tăng lên khiến gan tổn thương nhiều hơn gây ra các triệu chứng trên lâm sàng. Các triệu chứng hay gặp nhất khi nhiễm sán lá gan lớn là:

+ Sốt

+ Người bệnh cảm thấy khó chịu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy

+ Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân

+ Ngứa, phát ban hoặc nổi mề đay

+ Đau quặn bụng, thường đau khu trú ở hạ sườn phải (vị trí của gan)

+ Vàng da, niêm mạc

2. Giai đoạn sán lá gan lớn xâm nhập vào đường mật

Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan khoảng 2-3 tháng, sán lá gan trưởng thành xâm nhập vào đường mật trưởng thành và đẻ trứng. Tại đây sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm (có thể tới 10 năm) nếu không được phát hiện và điều trị.

+ Tại đường mật: sán lá gan lớn gây tổn thương biểu mô đường mật, gây tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát, có thể gây ung thư biểu mô đường mật.

+  Viêm tuyến tụy cấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Chẩn đoán bệnh sán lá gan

Chẩn đoán lâm sàng

Sán lá gan lớn ký sinh ở nhu mô gan và đường dẫn mật trong gan. Do đó bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn có biểu hiện rối loạn chức năng gan như:

+ Bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân

+ Sốt: sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc cơn sốt chỉ thoáng qua rồi tự hết, đôi khi sốt kéo dài.

+ Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt nhạt thường gặp ở trẻ em hoặc người nhiễm sán lá gan lớn mạn tính

+ Đau bụng: đau vùng hạ sườn (tương ứng vị trí giải phẫu của gan). Tính chất cơn đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi dữ dội, một số trường hợp không đau bụng.

+ Rối loạn hệ tiêu hóa như chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy.

Chẩn đoán cận lâm sàng

+  Xét nghiệm phân hoặc dịch mật tìm thấy trứng sán lá gan lớn: đây là “tiêu chuẩn vàng” chẩn đoán mắc bệnh sán lá gan lớn

+ Xét nghiệm máu: tỷ lệ bạch cầu ưa acid trong máu tăng cao trên 8% (có thể tới 80%)

+ Chẩn đoán hình ảnh đáng giá tổn thương gan: siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) ổ bụng 

+ Chẩn đoán miễn dịch học: phản ứng ELISA phát hiện có kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh.

Điều trị bệnh sán lá gan lớn

  • Nguyên tắc điều trị: 

+ Phát hiện sớm bệnh, có thể kết hợp điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) với điều trị ngoại khoa (chọc hút dịch, mủ áp xe gan,…)

+ Bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng – cách dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý mua thuốc điều trị sán lá gan lớn dùng tại nhà.

  • Thuốc điều trị sán lá gan lớn

+ Nhóm Emetine, dehydroemetine: liều 1 mg/kg x 10 – 14 ngày.

+ Thuốc Bithionol: liều dùng 30 – 50 mg/kg/ngày, uống trong thời gian từ 20 – 30 ngày, cách nhật và chia 3 đợt điều trị

+ Thuốc Hexachloroparaxylol: liều dùng 60mg/kg/ngày. Thời gian điều trị dùng thuốc 5 ngày 

+ Thuốc Niclorofan: 2mg/kg/ngày chia 2 lần x 3 ngày hoặc 0,5mg/kg x 2 lần/ngày x 3 ngày. + Thuốc Mebendazole: 1,5 g/ngày uống 13 – 28 ngày ít tác dụng với thể mãn tính, có thể uống mebendazole 50 mg/kg x 7 ngày.

+ Thuốc Triclabendazole: có tác dụng rất tốt với nhiễm sán lá gan lớn cả cấp tính và mạn tính. Triclabendazole điều trị sán lá gan lớn đem lại hiệu quả cao và an toàn với người bệnh. Liều dùng thuốc Triclabendazole : liều duy nhất 10 – 20 mg/kg, ngày chia 2 lần cách nhau 6 – 8 giờ uống sau bữa ăn. 

Con đường lây nhiễm bệnh sán lá gan lớn

Người bị nhiễm bệnh sán lá gan lớn chủ yếu là do ăn sống các loại rau mọc dưới nước như (rau cải xoong, rau cần, rau rút,…) hoặc uống nước chưa đun sôi có chứa ấu trùng sán lá gan lớn.

Phòng bệnh sán lá gan

  • Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh sán lá gan lớn:

+ Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện ăn chín uống sôi, không ăn các loại gỏi cá để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

+ Hạn chế ăn sống các loại rau thủy sinh như: cải xoong, rau cần, ngó sen,…

+ Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi đi ăn và sau khi đi vệ sinh

+ Giữ gìn vệ sinh, không dùng phân tươi bón cho ruộng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *